Mode:         
Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử UBND Xã Trà Cang

Chi tiết tin

Kỳ bí Ngọc Linh - Kỳ 2: Chinh phục đỉnh Ngọc Linh

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND Nam Trà My, Quảng Nam khẳng định với cánh báo chí chúng tôi, từ sau ngày giải phóng, tức là đã 40 năm qua, chưa có đoàn công tác hay cá nhân nào đặt chân lên được đỉnh Ngọc Linh. Với bà con Xơ Đăng, Ba Na sống quanh dãy núi Ngọc Linh thì lại càng không, vì họ tin vào những điều mang tính “tâm linh” về ngọn núi này nên không “đụng” đến... Quả thật, có lên mới biết, Ngọc Linh còn rất hoang sơ, với nhiều điều kỳ bí khó lý giải...

Chúng tôi nghỉ chân ở làng Tắc Lang ăn cơm trưa cũng là lúc sườn núi Ngọc Linh tối sầm, đầy mây bao phủ và cơn mưa rừng xối xả trút xuống khiến ai nấy trong đoàn đều rất lo ngại cho hành trình tiếp theo. Thấy vậy, Già làng Hồ Văn Du vừa truyền đạt vừa động viên: “Không sợ, từ đây nếu đi chậm thì mất cùng lắm 6 tiếng nữa sẽ đến trạm nghỉ chân đêm đầu tiên. Nhưng, nếu không cố gắng, ngày mai vào rừng rậm, phải tự tìm đường mà đi sẽ rất vất vả. Ăn nhanh và khẩn trương lên đường…”.

Già làng Hồ Văn Du (phải) là người dẫn đường cho đoàn khảo sát lên núi Ngọc Linh.

Khoác áo mưa, bao bọc kỹ hành lý, đoàn chúng tôi bắt đầu vượt những con dốc dựng đứng, nối tiếp nhau trơn trượt mặc cho mưa vẫn xối xả. Ai đó trong đoàn vừa nói vui vừa như khích lệ tinh thần: “Ngày xưa bộ đội mình hành quân vượt Trường Sơn đánh Mỹ chắc cũng đi như thế này nên chúng ta cũng sẽ đến được đích”. Đi được một quãng kha khá, già làng Du lại thông báo: “Đoàn đang đi ngang khu vực trồng sâm của bà con thôn Tắc Lang”. Nhiều thành viên trong đoàn, nhất là cánh báo chí chúng tôi đề nghị ghé vào thăm vườn sâm, nhưng già làng Du gạt phắt: “Không được, nếu không có sự đồng ý của dân làng, sẽ vô cùng nguy hiểm vì bao bọc xung quanh vườn sâm là cả một giàn bảo vệ gồm bẫy, chông, thò, lao…”. Nghe nói vậy, chúng tôi buộc phải từ bỏ ý định ngay, đích của chúng tôi đến nghỉ chân đêm nay sẽ là địa điểm có độ cao 2.000m. Càng vượt dốc, rừng càng trở nên hoang sơ. Hầu như những cánh rừng trên sườn núi Ngọc Linh chưa có sự tác động của bàn tay con người, bằng chứng là những cây rừng nguyên sinh to hàng chục người ôm mọc san sát, bên dưới tán là cả một hệ thực vật đa dạng, dày kín, tươi tốt.

Vừa liên tục nhắc mọi người hết sức cẩn thận khi men qua các triền núi trơn trượt cheo leo, già Du vừa diễn giải: Sở dĩ rừng còn nguyên sơ thế này là do bao đời nay, người Xơ Đăng sống trên các triền núi quanh đỉnh Ngọc Linh rất có ý thức giữ rừng. Trước hết, bà con tuyệt đối cấm người lạ đi vào khu vực núi Ngọc Linh. Tiếp nữa, việc bà con sản xuất, canh tác trồng các loại cây lương thực cũng được quy định ở những khu vực rõ ràng, chủ yếu quanh làng. Quan trọng hơn cả, đây chính là thủ phủ của loài “thần dược” sâm Ngọc Linh quý giá, nên để bảo tồn, canh tác được sâm Ngọc Linh, yêu cầu phải giữ được rừng già. Sâm Ngọc Linh chỉ thích hợp sống dưới bóng cây rừng già, mọc và phát triển trên lớp đất có thảm tầng lá rừng mục quanh năm đảm bảo độ ẩm nhất định và có nhiều chất dinh dưỡng để phát triển. Sâm Ngọc Linh chỉ thích hợp với đất đai, khí hậu của dãy núi Ngọc Linh, nếu mang sang vùng núi khác để trồng thì không có được sản phẩm sâm Ngọc Linh chính hiệu. Đây chính là những lý do tiên quyết mà đến nay những cánh rừng nguyên sinh trên núi Ngọc Linh vẫn tồn tại. Chính nhờ những cánh rừng còn nguyên vẹn, khí hậu của vùng núi Ngọc Linh cũng rất đặc biệt, cứ lên cao khoảng vài chục mét là nhiệt độ đã hạ 2-30C.

Bữa cơm giữa rừng của đoàn khảo sát núi Ngọc Linh.

Một điều khá thú vị nữa là mặc dù khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang trải qua đợt khô hạn từ cuối năm 2014 đến nay, nhưng các khe suối ở Ngọc Linh vẫn đầy ắp nước. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một thác nước đổ từ trên cao hàng chục mét xuống ào ào, trắng xóa, tiếng nước chảy dội vào vách núi âm vang như bản hùng ca, càng làm cho cảnh sắc Ngọc Linh thêm huyền ảo. Đây chính là những dòng nước từ núi mẹ Ngọc Linh để tạo nên một hệ thống sông Thu Bồn nên thơ, ngọt mát giữa lòng đất Quảng Nam.

Chúng tôi đang đi ở độ cao 1.500m, trạm nghỉ chân đêm nay được xác định ở độ cao 2.000m, tức là phải vượt qua độ cao 500m nữa. Nhưng theo các cán bộ kiểm lâm đi trong đoàn có kinh nghiệm đi đường núi, vượt được 500m theo đường chim bay ấy, người đi bộ phải đi theo đường đồng mức quanh các sườn núi để tránh bớt độ dốc, như vậy sẽ còn phải leo ít nhất 6-7km đường rừng. Và, cuối cùng, sau hơn 6 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến trạm nghỉ chân đầu tiên. Gọi là “trạm” nhưng thực chất chỉ là một vạt rừng thưa có độ dốc thoai thoải bên khe suối nhỏ. Ai nấy mệt nhoài, vừa hạ ba lô, Trưởng đoàn Hồ Quang Bửu, già làng Du đã hối hả phân công mọi người, chặt cây rừng căng bạt đóng trại ngay để tránh mưa, còn các thanh niên Xơ Đăng nhanh nhẹn tỏa đi kiếm củi khô. Khi lều bạt, võng cá nhân mắc xong, mấy đống lửa cũng đã đỏ rực chuẩn bị bữa cơm tối cũng là lúc cơn mưa rừng lại xối xả trút nước. Già Du  lại truyền đạt và ra lệnh: “Tuyệt đối không ai được tự ý ra khỏi khu vực đóng trại để đề phòng thú dữ, suối sâu… Phải cắt cử người thay nhau thức trực theo từng nhóm cho cả đoàn…”.

Đêm ấy, giữa đại ngàn Ngọc Linh, phần vì những cơn gió lạnh ùa đến thấu xương, phần vì tâm trạng nao nao bởi sự huyền ảo, bí ẩn của rừng già, tôi trằn trọc không thể nào ngủ được. Bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi trò chuyện đợi sáng mai khám phá những kỳ bí của đại ngàn…       


Tác giả: Văn phòng HĐND & UBND huyện

Nguồn tin: http://namtramy.quangnam.gov.vn/


Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)  
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)  
Mã xác nhận (*)
 

[Trở về]

Các tin mới hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ CANG - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Cang - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập